Người lớn, trẻ nhỏ dùng nhà vệ sinh bẩn, nhất là ở nơi công cộng, rất dễ mắc bệnh tả, tiêu chảy, viêm gan A… nên cần đề phòng.
ThS.BSCKII Lê Thanh Quỳnh Ngân (Trưởng khoa Nội tiêu hóa – Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, bên cạnh tiêu chảy cấp, nhà vệ sinh công cộng là nơi phát sinh nhiều bệnh nguy hiểm như nhiễm khuẩn đường ruột, tay chân miệng, viêm gan A, viêm phổi… Một số trường hợp nghiêm trọng có thể gây ra các bệnh nặng hơn, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Mầm bệnh có thể tồn tại trên bàn cầu, nút xả nước, vòi xịt, tay nắm cửa, khu vực xung quanh lối đi… trong nhà vệ sinh. Những vi khuẩn này có thể dính lên da, tay hoặc xâm nhập trực tiếp vào mũi, miệng.
Ngoài các yếu tố ngoại cảnh, thói quen và ý thức vệ sinh cá nhân không tốt tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và lây nhiễm. Môi trường tụ họp đông người, tiếp xúc gần khi đi du lịch. Dưới đây là một số bệnh tiêu hóa có thể mắc phải khi sử dụng nhà vệ sinh bẩn.
Tiêu chảy
Theo bác sĩ Quỳnh Ngân, trong các bệnh lý đường tiêu hóa, tiêu chảy là bệnh dễ lây nhiễm cho trẻ, đứng hàng thứ hai chỉ sau hô hấp. Nhà vệ sinh đọng nước bẩn, chất thải không bị rửa trôi, tiêu hủy… là môi trường thuận lợi cho khuẩn e.coli (escherichia coli) hoạt động. Đây là vi khuẩn chính gây nên bệnh tiêu chảy. Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh khi tiếp xúc bồn cầu bị nhiễm khuẩn, nước bẩn từ nhà vệ sinh. Nếu bệnh trở nặng có thể gây ra những cơn đau quặn bụng dữ dội kèm theo phân có máu và nôn mửa.
Kiết lỵ
Kiệt lỵ là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở đường tiêu hóa do vi khuẩn shigella, salmonella gây ra. Các vi khuẩn này có thể tồn tại ở bồn cầu, chậu rửa tay, rác thải, nước đọng bẩn trong nhà vệ sinh… Sau khi sử dụng, chúng ta có thể vô tình đưa lên miệng hay cầm nắm đồ ăn, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào cơ thể. Một số các triệu chứng khi mắc phải kiết lỵ bao gồm nôn, tiêu chảy nghiêm trọng, mất nước… Nếu không điều trị kịp thời, trẻ có nguy cơ dẫn đến tử vong.
Bệnh tả
Bệnh nhiễm trùng cấp tính ở ruột non này do vi khuẩn vibrio cholerae tiết ra độc tố gây tiêu chảy nhiều nước, dẫn đến mất nước, tiểu ít và choáng. Bệnh tả thông thường lây lan qua đường phân, môi trường ô nhiễm hoặc trong đất. Do đó, nếu nhà vệ sinh không được cọ rửa, vệ sinh sạch sẽ, vi khuẩn tả có thể xâm nhập vào cơ thể trẻ bất kỳ lúc nào. Trẻ mắc bệnh có một số triệu chứng như tiêu chảy, buồn nôn, ói mửa, mất nước, chuột rút cơ bắp…
Viêm gan A
Khi nhiễm trùng viêm gan A, người bệnh sẽ có biểu hiện như sốt, buồn nôn và đau quặn bụng. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường phân – miệng, tiếp xúc với phân, nước tiểu chất thải từ người bệnh. Thói quen không rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, đưa tay lên miệng hoặc ăn uống làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh viêm gan A.
Nhiễm trùng đường tiêu hóa, tiết niệu
Nhà vệ sinh đọng nước bẩn, không có hầm tiêu hủy chất thải, không có nước rửa tay… là nơi các vi khuẩn, siêu vi hoạt động mạnh mẽ. Không rửa tay sau khi đi vệ sinh nhưng cầm nắm thức ăn khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập trực tiếp vào miệng, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường ruột, đường tiết niệu.
Theo bác sĩ Ngân, ngoài các bệnh trên, tâm lý sợ bẩn, sợ mùi hôi ở những nhà vệ sinh công cộng khiến nhiều người nhịn tiểu. Tình trạng này diễn ra lâu dẫn đến các bệnh như táo bón, bí tiểu, trướng bàng quang hoặc nhiễm trùng bàng quang. Các bệnh lý về da cũng có thể xảy ra như nhiễm trùng da chốc lở, viêm mô hoại tử… (do vi khuẩn streptococci hay streptococcus gây ra). Trẻ nhỏ có thể mắc phải các bệnh nguy hiểm như tay chân miệng (do virus coxsackie A16 hoặc enterovirus 71 – EV71), cúm (từ dịch tiết như nước mũi, giấy lau không được dọn dẹp, tiêu hủy)…
Để phòng ngừa và hạn chế nguy cơ, mọi người nên đeo khẩu trang và dùng dung dịch sát khuẩn tay thường xuyên khi ở nơi đông người; tránh ở ngoài trời mưa lạnh hoặc những không gian ẩm mốc quá lâu; hạn chế ăn hàng quán vì khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Nâng cao miễn dịch chủ động bằng cách tiêm các loại vaccine cần thiết như vaccine phòng bệnh tả, tiêu chảy, kiết lỵ, vaccine viêm gan A, B… theo lịch và sự tư vấn của bác sĩ. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh nên đến chuyên khoa Tiêu hóa thăm khám, để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng.