Tiêu chảy cấp – bệnh nguy hiểm dễ lây lan từ nhà vệ sinh bẩn

Tiêu chảy gây mất nước, rối loạn điện giải, bệnh không được điều trị kịp thời có thể gây nhiễm trùng máu, thậm chí tử vong.

Theo Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM), tiêu chảy là bệnh dễ lây nhiễm cho trẻ đứng hàng thứ hai, chỉ sau bệnh hô hấp. Triệu chứng đầu tiên của bệnh thường là buồn nôn và nôn, sau đó tiêu chảy làm mất nước và điện giải. Mất nước trong cơ thể có thể dẫn đến tình trạng sốc, rối loạn điện giải, nếu không điều trị kịp thời, có thể đe dọa tính mạng.

Ở giai đoạn nặng, vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng máu, nguy cơ tử vong cao. Ngoài ra, khi mắc tiêu chảy, trẻ có thể gặp các vấn đề liên quan đến hệ thống đường ruột, thậm chí gây biến chứng đường tiêu hóa, ảnh hưởng đến thần kinh, tim mạch, thận, gan.

Trẻ mắc tiêu chảy có thể dẫn đến sốc, rối loạn điện giải nếu không điều trị kịp thời. Ảnh: Freepik.

Trẻ mắc tiêu chảy có thể dẫn đến sốc, rối loạn điện giải nếu không điều trị kịp thời. Ảnh: Freepik.

Bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống ôi thiu, bị nhiễm khuẩn; có liên quan chặt chẽ với điều kiện môi trường và thói quen vệ sinh. Nhà vệ sinh bẩn cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây truyền nguồn bệnh, vi khuẩn E.Coli gây ra bệnh tiêu chảy.

Bác sĩ Nam cho biết, nhà vệ sinh bẩn là nơi có môi trường ô nhiễm, các yếu tố như hệ thống cấp thoát nước không đảm bảo, nước bẩn và rác hay chất thải ứ đọng hoặc không có hệ thống hầm tự hoại, không có nước cho rửa tay, rửa trôi, nước cho bồn cầu hoặc nguồn nước bị bẩn… Tất cả yếu tố này đều là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn E.Coli và nhiều virus gây bệnh truyền nhiễm khác sinh sôi, phát triển.

Trẻ thường có thói quen vệ sinh kém, chưa có ý thức tốt trong việc đi vệ sinh đúng cách: không rửa tay sau đi vệ sinh, hay rửa tay qua loa không dùng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn…. Mặt khác, một số trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu và chưa biết cách bảo vệ bản thân khỏi nguồn lây nhiễm, như đưa tay lên miệng hay ăn uống sau đi vệ sinh mà chưa rửa tay, chơi gần nhà vệ sinh bẩn, tiếp xúc vật dụng từ nhà vệ sinh… Đây là các yếu tố làm trẻ tăng nguy cơ mắc tiêu chảy cấp khi sử dụng nhà vệ sinh bẩn hoặc tiếp xúc gần với nguồn nước, nguồn chất thải (rác thải) từ nhà vệ sinh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *